VẺ ĐẸP CỦA PHƯỢNG HOÀNG CỔ TRẤN
►Những địa điểm đẹp nhất ở Phượng Hoàng cổ trấn
Trong các tour Trung Quốc thì tour Phượng Hoàng cổ trấn được đánh giá trong top đầu. Không chỉ có những ngôi nhà gỗ cổ với đèn lồng đỏ, đặc sản núi rừng hấp dẫn, những câycầu ở Phượng Hoàng cổ trấn mà mỗi cây một vẻ soi bóng xuống Đà Giang cũng làm du khách phải xiêu lòng. Có thể điểm qua vài cây cầu nổi bật nhất như Hồng Kiều, Tuyết Kiều, và cầu Đá Nhảy. Đây là những địa điểm chính được khách du lịch check-in “sống ảo” nhiều nhất.
1. Sông Đà Giang – dòng sông thơ mộng gắn liền với trấn Phượng Hoàng
Trấn cổ Phượng Hoàng đã có từ ngàn năm trước, đồng hành cùng nơi đây là dòng Đà Giang êm dịu, phẳng lặng tựa như “nàng tiên sông” của vùng đất này. Màu xanh ngọc bích của Đà Giang luôn khiến khách du lịch Phượng Hoàng cổ trấn mê mẩn, lưu luyến không muốn về. Dọc 2 bên bờ sông là những ngôi nhà cổ, là thành Bắc Môn, là hình ảnh người dân địa phương giặt giũ, rửa rau bắt cá, cười cười nói nói, mà chỉ khi ngồi thuyền hay đi bộ dọc bờ sông ta mới cảm nhận được hết vẻ yên bình nơi đây.
Khi trời trở lạnh, “nàng tiên sông” khoác chiếc áo sương mù, khẽ bay bay đầy huyền ảo, mị hoặc. Khi nắng lên, “nàng” đổi sang màu áo nhũ vàng óng ánh, rồi khi tuyết đông về “nàng” lại lặng lẽ ngắm tuyết rơi lên mình, lên từng mái nhà, cây cầu ở Phượng Hoàng cổ trấn.
Một điều nữa khiến dòng sông xinh đẹp hơn chính là những cây cầu nối 2 bờ, soi bóng xuống Đà Giang, mỗi cây cầu đều mang một vẻ đẹp riêng, ở đó cùng Đà Giang chứng kiến thăng trầm lịch sử, chứng kiến sinh hoạt thường ngày, trẻ con nô đùa, trai gái yêu đương… nơi trấn cổ này.
2. Những cây cầu ở Phượng Hoàng cổ trấn
Hồng Kiều (Cầu Hồng)
Cây cầu Hồng Kiều 2 tầng này được xây chắc chắn bằng đá và gỗ. Dù nhìn từ phía xa hay đi thuyền dưới chân cầu, du khách vẫn cảm nhận được sự to lớn, trầm mặc của cây cầu, như một chứng nhân lịch sử lặng lẽ ở đó suốt hơn 300 năm, cùng trấn Phượng Hoàng trải qua biết bao thăng trầm.
Hồng Kiều trông như một căn lầu với 2 tầng có mái che, thành cầu chạm trổ phù điêu tinh xảo. Tầng 1 là lối đi nối 2 bờ và là nơi buôn bán đồ lưu niệm vào ban đêm, tầng 2 là nơi để ngắm cảnh, thưởng thức những bức thư pháp, tranh ảnh về Phượng Hoàng cổ trấn. Đứng trên lầu 2, du khách đi tour Phượng Hoàng Cổ Trấn sẽ ngắm nhìn được toàn cảnh trấn cổ xinh đẹp.
Tuyết Kiều (Cầu Tuyết)
Trái ngược với sự vững trãi, sừng sững của Hồng Kiều chính là Tuyết Kiều. Cũng là kết cấu 2 tầng xây bằng đá và gỗ, nhưng Tuyết Kiều lại thanh thoát, nhẹ nhàng, trắng tinh khôi như nàng thơ của mùa đông.
Được khởi công xây dựng vào tháng 4/2011 và hoàn thành vào tháng 11/2012, họa sĩ đương đại Hoàng Ngọc Vĩnh đã “thổi hồn” vào cho cây cầu này vẻ đẹp cổ kính, lưu giữ lại tuổi thơ của ông nơi trấn cổ Phượng Hoàng. Cùng với Tuyết Kiều thì Cầu Vụ, Cầu Phong, Cầu Vũ chính là 4 tác phẩm “Tuyết – Vũ – Vụ – Phong” mà họa sĩ này đã “vẽ” trên Đà Giang, khiến thị trấn nhỏ này mang dáng hình mà không ở nơi đâu có thể tìm thấy.
Vụ Kiều (Cầu Vụ)
Vụ Kiều được ví như cây cầu sương mù. Những ngày có sương, đứng nơi đây khách du lịch Phượng Hoàng cổ trấn sẽ cảm giác được sự ma mị, mê hoặc của những con thuyền độc mộc lặng lẽ lướt trên dòng sông, ẩn hiện trong sương sớm.
Cầu Đá Nhảy
Cầu Đá Nhảy là cây cầu nổi tiếng nhất với khách đi tour Phượng Hoàng. Không có mái, không có tầng, chỉ là những trụ đá xếp cách nhau một bước chân, đủ cho một người bước qua nhưng cũng đủ khiến du khách thấy thích thú.
3. Phố cổ ở Phượng Hoàng cổ trấn
Không chỉ có dòng Đà Giang làm mê lòng người mà những ngõ ngách, phố nhỏ ở trấn nhỏ này cũng khiến du khách si mê quên lối về. Bạn sẽ như được trở về quá khứ cổ xưa bên những ngôi nhà cửa gỗ đỏ, chăng đèn lồng đỏ, lát gạch đá trắng xám tạo nên một bức tranh trầm mặc, cổ kính.
4. Phù Dung Trấn – Trương Gia Giới
Và tour Phượng Hoàng cổ trấn không chỉ hấp dẫn bởi trấn cổ Phượng Hoàng mà còn có những điểm du lịch gần đó như Phù Dung trấn – trấn cổ ngàn năm nằm “treo” trên thác nước, công viên Rừng quốc gia Trương Gia Giới – Viên Gia Giới nổi tiếng với những cột đá cao chọc trời, chính là bối cảnh nguyên mẫu cho những trụ đá bay trong bộ phim Avatar đã làm “cháy phòng vé” một thời. Cũng trong khu danh thắng này còn có Thiên Môn Sơn với con đường đèo 99 khúc cua, 999 bậc thang dẫn lên Cổng Trời đưa chân du khách du lịch Phượng Hoàng cổ trấn đến chốn tiên cảnh bồng lai. Ngoài ra còn nhiều địa điểm tham quan thú vị khác mà bạn có thể tự do khám phá khi đi chuyến tour Trung Quốc này nữa đó!
►Mùa nào nên đi Phượng Hoàng cổ trấn?
Bốn mùa ở Trương Gia Giới mùa nào cũng đẹp, quanh năm bạn đều có thể đến đây. Để nói mùa nào đẹp nhất thì thật sự rất khó. Có người thích mùa đông lành lạnh, có người lại thích nắng hè ấm áp. Tùy vào sở thích mà bạn có thể chọn mùa thích hợp để du ngoạn.
Phượng Hoàng cổ trấn mùa hè
Với các bạn trẻ năng động, thích “sưởi nắng” thì mùa hè có lẽ sẽ là thời điểm đi thích hợp với bạn. Ban ngày nắng ấm áp soi chiếu óng ánh dòng Đà Giang nhưng không quá oi nóng như ở Việt Nam. Khi đêm về thì gió mát lại thổi vào.
Phượng Hoàng cổ trấn mùa đông
Mùa đông, trấn Phượng Hoàng như chìm vào giấc ngủ đông, mang vẻ đẹp quyến rũ lạ kì. Tuyết phủ trắng những mái nhà, mái ngói cầu khiến nơi đây lặng lẽ hơn, không còn mang sự sôi động của những ngày hội hè. Vào mùa này giá cả đồ ăn và các dịch vụ ở Phượng Hoàng cổ trấn cũng rẻ hơn.
Phượng Hoàng cổ trấn mùa xuân và mùa thu
Mùa xuân và mùa thu ở trấn Phượng Hoàng dễ chịu hơn cả. Xuân về cây lá đâm chồi, mang hương hoa thơm ngát phủ lên thị trấn nhỏ này. Sức sống như quay lại sau mùa đông lạnh giá. Đến mùa thu, những chiếc lá vàng bay nhè nhẹ rồi thả trôi theo dòng Đà Giang khiến những du khách có tâm hồn lãng mạn đều lưu luyến muốn ở lại nơi này.